Sự háo hức của người dùng ngày tăng lên khi càng đến gần thời điểm Microsoft chính thức ra mắt Windows 10, phiên bản hệ điều hành mới nhất với nhiều thay đổi, bổ sung những tính năng mới dựa trên phản hồi mà hãng nhận được.
Tính nhất quán xuyên suốt trên tất cả thiết bị là điểm quan trọng trong trải nghiệm người dùng. Khác với các phiên bản cũ, Windows 10 sẽ là một nền tảng hợp nhất dành cho tất cả thiết bị của Microsoft gồm máy tính cá nhân (desktop lẫn laptop), máy tính bảng, smartphone và cả thiết bị đeo thông minh nhưng giao diện người dùng và tính năng có thể khác nhau đôi chút tùy thuộc chủng loại sản phẩm.
So với Windows 8.1, hệ điều hành mới không chỉ thay đổi về giao diện người dùng mà còn tăng tính tiện dụng khi thao tác trên màn hình cảm ứng của máy tính bảng. Cụ thể Windows 10 sẽ khởi động thẳng vào giao diện Desktop thay vì Modern UI như trước kia và điều này mang lại cảm giác quen thuộc hơn với người dùng Windows.
Sự thay đổi giao diện người dùng, nhiều phiên bản khác nhau gây rối rắm và tính tương thích với ứng dụng khiến nhiều người dùng, nhất là phía doanh nghiệp vẫn chọn Windows 7 thay vì nâng cấp lên Windows 8. Với Windows 10, Microsoft hy vọng sẽ làm hài lòng người dùng hài lòng với nhiều tính năng quen thuộc từng có trong Windows 7.
Bên cạnh đó, hệ điều hành mới cũng loại bỏ sự không tương tích ứng dụng có thể gây phiền phức cho Windows Phone, Windows 8 phiên bản dành cho bộ xử lý Intel và ARM.
Một trong những thay đổi lớn nhất của Windows 10 là sự trở lại của trình đơn Start, kết hợp giữa giao diện truyền thống của Windows 7 và các ô Live Tiles hiển thị thông tin của Windows 8. Trong Windows 10, Microsoft cũng bổ sung nhiều tính năng để tối ưu khả năng làm việc đa nhiệm, chẳng hạn Task View giúp người dùng xem các ứng dụng đang chạy hoặc Snap View cho phép chia màn hình ra nhiều phần để chạy nhiều ứng dụng cùng lúc.
Nhận định của các nhà phân tích thị trường cho rằng Windows 10 sẽ nằm trong chu kỳ nâng cấp máy tính người dùng doanh nghiệp. Điều này góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng thị phần máy tính cá nhân trong thời gian tới. Về phía người dùng gia đình cũng có phản ứng tốt trước những thay đổi của Windows 10 và có vẻ Microsoft đang đi đúng hướng trong việc phát triển hệ điều hành.
Dự kiến, bản Windows 10 cho người dùng cuối có thể được phát hành vào đầu mùa Thu năm sau trong khi phiên bản RTM (release to manufacturing) dành cho các nhà sản xuất cài sẵn lên thiết bị khi xuất xưởng sẽ có mặt sớm hơn. Cụ thể Dell, HP, Lenovo và các nhà sản xuất máy tính cá nhân khác đang chuẩn bị cho việc ra mắt sản phẩm mới chạy Windows 10 trong khi Intel và AMD cũng đang tích cực tối ưu chip cho hệ điều hành này.
Theo PCWorld.com, Tinhte.vn
#Win10 #windows10 #Microsoft #windows8.1